CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐẦU TƯ ME KONG

BẤT ĐỘNG SẢN

Giá đất tăng “nóng” khắp nơi, có nên lao theo các “cơn sốt đất”?

Hết “sốt đất” ở Bình Phước, Đà Nẵng, Quảng Ninh, thì lại xuất hiện các đợt “sốt” khác ở Hà Nội, Quảng Trị, Hải Phòng…

Tiếp tục ghi nhận các đợt “sốt” mới

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cơn “sốt” đất liên tục “nổ” ra ở nhiều địa phương, trải dài khắp 3 miền, như Bình Phước, Đà Nẵng, Thủ Đức, Bắc Ninh, Ninh Bình; Quảng Ninh;…

Hầu hết, các cơn “sốt” đất kể trên đều diễn ra cục bộ, “sốt” rất nhanh, nhưng nhanh chóng hạ nhiệt. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã nhanh chóng phát đi cảnh báo, các đợt “sốt” lập tức biến mất.

Tuy nhiên, trong một tuần vừa qua, nhiều địa phương tiếp tục “nổ” ra các đợt “sốt” mới. Theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, Quảng Trị là địa phương tiếp theo xuất hiện “sốt” đất.

Theo đó, tại khu đô thị Bắc Sông Hiếu, sau 1 năm, giá đất đã tăng 7 – 8 triệu đồng/m2, lên 10  – 12 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Tương tự, tại khu đô thị Nam Đông Hà (TP Đông Hà), giá đất cũng tăng 40%, từ 5 triệu đồng/m2 lên 6 – 8 triệu đồng/m2.

Tiếp đến là Đông Anh (Hà Nội). Nhờ vào đề án quy hoạch phân khu sông Hồng, đất nền tại khu vực Xuân Canh, Hải Bối (Đông Anh) đã tăng 80% trong chưa đầy nửa năm. Hiện tại, giá đất bình quân tại đây dao động khoảng 50 triệu – 65 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Trong các “cơn sốt đất” ở thời điểm hiện tại, không thể không nhắc đến trục “bão” Sơn Tây – Hòa Lạc – Ba Vì. Ngay cả những đất rừng, vẫn được giao dịch khá sôi động. Giá đất bình quân tại 3 khu vực này hiện đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với đầu năm 2020.

Cẩn trọng khi gieo mình theo “sốt” đất

Trước xu hướng giá đất tăng giá “điên cuồng”, giới chuyên gia nhận định nhà đầu tư nên cẩn trọng trước khi lao theo các “cơn sốt đất”.

Bởi, hiện nay, một trong những lý do khiến giá đất tăng chóng mặt, chính là do “cò” đất tung tin đồn để thổi giá, nhằm thu lợi bất chính. Đơn cử, như tại Đà Nẵng, Hạ Long, Bình Phước đã được xác định “sốt” đất chỉ là ảo, nhà đầu tư rót vốn rất dễ bị mắc cạn.

Tuy nhiên, không phải “cơn sốt đất” nào cũng là ảo. Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam đánh giá, giá đất tăng 20% – 25% sau một năm là chuyện bình thường.

Với nhà đầu tư có tài chính hạn chế thì có khuynh hướng đầu tư vào tài sản có thể để dài hơi, đặc biệt phân khúc đất nền có sổ đỏ vẫn được ưu tiên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam khuyến cáo: Nhà đầu tư phải tỉnh táo khi lao theo các “cơn sốt đất”.

Với những nhà đầu tư có dòng vốn yếu, không nên sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư theo “sốt” đất. Đồng thời, nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, không đi theo tâm lý đám đông. Nếu không tuân thủ theo 3 quy tắc này, nhà đầu tư rất dễ bị “mắc cạn”.

Ngoài ra, trước khi lao theo “sốt” đất, phải xác định đây có phải “sốt ảo” hay không. Để xác định, nhà đầu tư có thể tự kiểm tra quy hoạch, pháp lý thông qua UBND xã/phường, hoặc các văn phòng đất đai. Bên cạnh đó, theo dõi biên độ tăng giá trong một năm.

Một “cơn sốt ảo” được xác định sẽ tăng giá bất thường trong thời gian ngắn. Đơn cử như tại Hớn Quản, Bình Phước, giá đất tăng 10 lần, chỉ trong 1 tuần. Hoặc tại Đồng Trúc (Hòa Lạc), Bình Ba (Bà Rịa – Vũng Tàu) vào năm ngoái, giá đất tăng gấp đôi, gấp ba trong vài ngày.

Hiện tại, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang loay hoay với bài toán làm thế nào để dẹp bỏ “sốt đất ảo”. Trước khi tìm ra lời giải, các cơn “sốt” vẫn và sẽ tiếp tục xảy ra, nếu nhà đầu tư không tỉnh táo rất dễ vướng phải bẫy của giới đầu cơ đất, khiến “tiền mất, tật mang”.

messenger