CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐẦU TƯ ME KONG

NÔNG NGHIỆP

Lâm Đồng: Trồng khoai tây cho "ăn" phân bón hữu cơ, nhổ lên xem thử nhà nông bất ngờ vì nhiều củ

Nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 của tỉnh Lâm Đồng, mô hình sử dụng phân bón Mekofer trên cây khoai tây tại huyện Đơn Dương đã giúp nông dân tiết giảm được gần 17% chi phí, đồng thời cũng nâng cao năng suất so với lối canh tác truyền thống…

Ông Phạm Văn Trị, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phi Vàng (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cho hay, năm nay là năm đầu tiên gia đình ông áp dụng quy đình bón phân hữu cơ Mekofer cho 1.000m2 khoai tây.

Cụ thể, ở giai đoạn bón lót, ông Trị sử dụng 125kg phân hữu cơ Mekofer. Đến giai đoạn bón thúc, ông sử dụng 75kg phân bón 9-6-3-9HC và 75kg 7-7-7-9 hữu cơ. Tổng chi phí phân bón cho 1.000ha này là 2.662.000 đồng.

Trong khi đó, với 1.000 m2 khoai tây đối chứng, ông sử dụng 30 bao phân dê trong giai đoạn bón lót. 

Tiếp đến trong giai đoạn bón thúc, ông sử dụng phân bón 85kg Super Lân; 50kg NPK 15-9-20; 25kg K2SO4; 15kg MgSO4 và 30kg Nitrate bor. Tổng chi phí cho 1.000 m2 khoai tây đối chứng này là 3.191.000 đồng.

Bất ngờ với năng suất, chi phí của mô hình

Sau 60 ngày, cây khoai tây trên vườn áp dụng mô hình phát triển vượt trội, thân cứng cáp, lá xanh mướt. Điều đặc biệt đất tơi xốp, hệ vi sinh được cải thiện.

Ông Trị thổ lộ: "Đến nay, khoai tây có sự phát triển đồng đều, lượng củ nhiều hơn so với mô hình khoai tây đối chứng. Đặc biệt, việc áp dụng phân hữu cơ giúp gia đình tôi giảm được tới 16,6% chi phí so với các sử dụng phân bón thông thường. Năng suất dự kiến cũng đạt 35 tấn/ha, trong khi khoai tây ở ruộng đối chứng chỉ đạt tầm 30-32 tấn/ha".

Trực tiếp "lội ruộng" để thăm mô hình trồng khoai tây hữu cơ, ông Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý phân bón Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT), đánh giá: "Quan sát bằng mắt thường cũng như đào thử một số gốc khoai tây giữ hai ruộng trình diễn và đối chứng, có thể thấy luôn cây khoai tây ở ruộng trình diễn xanh tốt hơn, cây cứng cáp và cho lượng củ nhiều hơn".

Đặc biệt, theo chia sẻ của vị đại diện Cục Bảo vệ Thực vật, trong bối cảnh giá phân bón tăng mạnh như hiện nay, việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp vừa tiết giảm chi phí, vừa tăng năng suất là một giải pháp rất hiệu quả.

"Ở nước ta, người dân ở nhiều vùng trồng đã sử dụng phân bón vô cơ hoặc sử dụng chưa cân đối giữa phân bón hữu cơ và vô cơ đã dẫn đến tình trạng thoái hóa.

Về phía Cục Bảo vệ thực vật, để góp phần cải thiện môi trường, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua Cục đã và đang triển khai các giải pháp tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ…", ông Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý phân bón Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT).
"Thời gian qua, Cục đã phối hợp cùng với trên 20 doanh nghiệp sản xuất phân bón thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.

Trong đó Công ty Mekofer là một trong các doanh nghiệp đã ký kết hợp tác cùng Cục BVTV về việc nhằm triển khai các mô hình trình diễn bón phân cân đối trên một số cây ăn trái, cây rau màu.

Đồng thời phối hợp tập huấn, hướng dẫn cho nông dân các quy trình sử dụng phân bón hữu cơ tiết kiệm, hiệu quả", ông Thắng chia sẻ thêm.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025. Đề án này xuất phát trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và hệ thống chứng nhận các nông sản của Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

"Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Mekofer trên cây khoai tây tại huyện Đơn Dương cũng nằm trong đề án này, nên ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đang khuyến khích nông dân ứng dụng mô hình này để vừa tăng năng suất, vừa tiết giảm chi phí so với cách canh tác thông thường", ông Châu nói.

Ngoài ra, theo ông Châu, tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư, xây dựng những mô hình nông nghiệp hữu cơ phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi để được các tổ chức thẩm quyền cấp chứng nhận, từng bước nhân rộng trên địa bàn…

Ở góc độ khác, TS Trần Văn Thịnh, Bộ môn Khoa học Đất - Phân bón, Phó Trưởng khoa Nông học (Trường Đại học Nông lâm TP.HCM) cho biết, những năm qua, đất đai sản xuất vùng Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đã và đang chịu những tác động từ biến đổi khí hậu. Đất đai bị xói mòn trên diện rộng, khô hạn, có nơi đá ong hóa hoặc kết vón, hệ số pH thấp.

Thêm vào đó, việc bà con nông dân sử dụng nhiều phân bón hóa học sẽ làm mất cân bằng tự nhiên trong môi trường đất, các chất hóa học khi ngấm vào đất, lượng acid trong đất sẽ tăng, làm cho đất bị chua, bạc màu...

"Để khắc phục tình trạng này, nông dân cần sử dụng phân bón hữu cơ và axit humic để cải thiện độ phì cho đất, cung cấp nguồn dinh dưỡng carbon cho vi sinh vật, cung cấp dinh dưỡng tự nhiên giúp cây phát triển tốt, từ đó tăng năng suất và chất lượng nông sản…", ông Thịnh nói.

Nguồn: Nongnghiepso.com.vn
messenger