CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐẦU TƯ ME KONG

NÔNG NGHIỆP

Nóng chuyện chuyển đổi diện tích trồng mít Thái

Những ngày này, đến nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), rất dễ bắt gặp những chuyến xe chở mít Thái giống xuôi ngược về các nhà vườn để nông dân xuống giống. Mít thương phẩm được thu mua giá cao nên nhiều nhà vườn mạnh dạn chuyển đổi trồng mít Thái, nhất là tại các tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo những hệ lụy từ việc mở rộng diện tích loại trái cây này.

Lãi cao, dân đổ xô trồng mít Thái

Tại các tỉnh phía nam, cây mít được bà con trồng từ rất lâu và trồng trên nhiều loại hình như: trồng xen trong các vườn cây ăn quả, trồng chuyên canh. Phần lớn quả mít được tiêu thụ theo hình thức ăn tươi, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và một vài doanh nghiệp trong nước thu mua chế biến mít sấy.

Đặc biệt, trong vòng hai năm trở lại đây, mít thương phẩm được thương lái thu mua xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc, với giá dao động từ 35 nghìn đồng đến 45 nghìn đồng/kg. Cá biệt, có thời điểm giá mít từ 50 nghìn đồng đến 60 nghìn đồng/kg, tùy theo trọng lượng của quả, lợi nhuận nhà vườn thu được từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng/năm/ha.

Do giá thu mua và hiệu quả sản xuất tăng cao đã cuốn nhà vườn tại các tỉnh phía nam chuyển đổi “nóng” các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mít Thái. Hiện tại, nhà vườn các tỉnh đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) đã phát triển được khoảng 10.105 ha, trong đó diện tích đang thu hoạch 6.396 ha, năng suất 17,9 tấn/ha. Hầu hết diện tích vườn đang chuyển đổi sang trồng mít chủ yếu trên nền cây ăn quả, cây công nghiệp kém hiệu quả, vườn mít giống cũ và một số diện tích đất trồng lúa. Với đặc điểm thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sau trồng từ 12 đến 15 tháng cây đã bắt đầu cho quả là nhà vườn đã thu hồi được vốn đầu tư. Khi cây cho trái ổn định, chăm sóc tốt năng suất trung bình trong thời gian kinh doanh từ 20 đến 25 tấn/ha/năm, nếu so với lúa thì hiệu quả từ mít cao gấp nhiều lần.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỉnh Hậu Giang hiện có tổng diện tích mít trên ba nghìn ha, diện tích thu hoạch 1.432 ha, năng suất 23,1 tấn/ha, sản lượng 33.065 tấn. Tổng diện tích mít trồng mới tại địa phương này từ 2017 đến nay là 2.255 ha, tập trung chủ yếu được trồng tại huyện Châu Thành với 79% diện tích mít của tỉnh. Tại các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An… diện tích mít không lớn, với tổng diện tích 2.625 ha. Diện tích mít chủ yếu được trồng xen trong vườn cây ăn quả, một số diện tích được chuyển đổi từ đất lúa từ 2017 đến nay.

Tiền Giang là địa phương có diện tích mít lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng diện tích 6.031 ha, trong đó diện tích trồng mới là trên 2.200 ha, diện tích cho thu hoạch 3.797 ha, năng suất 20,5 tấn/ha, sản lượng 77.675 tấn. Trong đó, tổng diện tích mít được trồng mới trên đất lúa lên liếp từ năm 2017 đến nay là 1.150 ha, còn lại được chuyển đổi và trồng xen trong các vườn cây ăn quả kém hiệu quả tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Đặc biệt diện tích đang được mở rộng nhanh trên vùng đất trồng dứa tại huyện Tân Phước.

Nóng chuyện chuyển đổi diện tích trồng mít Thái

Ông Nguyễn Hồng Nhật, ở ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), cho biết, ông vừa chuyển đổi trồng xen canh mít Thái và bơ trên diện tích đất bốn ha lâu nay chuyên trồng dứa. Sở dĩ ông Nhật chuyển sang trồng mít là vì đây là loại cây mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với cây dứa. Trong khi giá dứa rất bấp bênh, lợi nhuận cao lắm cũng chỉ 50 triệu đồng/ha, còn trồng mít với mức giá 30 nghìn đồng/kg cũng sẽ cho lợi nhuận 200 triệu đồng/ha. Hiệu quả cao hơn hẳn nhưng công trồng và chăm sóc mít không nhọc nhằn bằng trồng dứa.

Anh Nguyễn Văn Tâm ở xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), cũng đang lên liếp từ ruộng lúa để trồng bảy nghìn m2 mít. Nếu tính chung các hộ chung quanh nữa thì tổng diện tích chuyển đổi từ ruộng lúa sang trồng mít lên đến bảy ha. “Hiện nay, giá lúa thấp quá, nếu gia đình nào không có đất phải thuê ruộng thì làm lúa thì lỗ chắc. Trước tình cảnh đó, nông dân không lẽ đứng yên bó tay. Chúng tôi phải tự cứu mình, phải chuyển sang trồng mít mới mong nâng cao thu nhập. Các hộ dân ở đây đã tính toán rồi, phải lập tổ hợp tác để tạo chuỗi liên kết tiêu thụ mít, phải ký kết hợp đồng tiêu thụ với các thương lái lớn để ổn định đầu ra”, anh Tâm chia sẻ.

Phòng ngừa rủi ro, mở rộng diện tích

Đến nay, cây mít vẫn chưa được các địa phương xác định là cây ăn quả chủ lực, do đó, việc đầu tư, hỗ trợ cho phát triển sản xuất mít hầu như chưa có, phần lớn nông dân sản xuất tự phát, chưa có quy trình sản xuất cụ thể cho các loại hình trồng xen, trồng thuần, chuyển đổi từ đất lúa. Thị trường mít chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc, dẫn đến rủi ro khi thị trường biến động. Tình hình sâu bệnh xuất hiện gây hại diễn biến phức tạp như: ruồi đục trái, sâu đục thân, bệnh thối trái, xơ đen, nấm hồng, … Nhu cầu trồng lớn trong khi nguồn cung cấp cây giống sạch bệnh, quản lý chất lượng nguồn gốc cây giống còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Tiền Giang, việc chuyển đổi nhanh từ đất trồng lúa sang cây mít do canh tác lúa lợi nhuận thấp, thuê mướn nhân công khó khăn, còn trồng cây mít lại cho lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang cây mít trên nhiều địa phương, không theo vùng trồng tập trung diện tích lớn sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong mùa lũ, gây ngập úng do hệ thống đê bao chưa hoàn thiện, khép kín. Canh tác lúa và mít xen kẽ trong vùng gây khó khăn cho việc sử dụng cơ giới hoá trong khâu làm đất, thu hoạch lúa, không đồng bộ trong điều tiết nước. Việc chuyển đổi ồ ạt diễn ra trong hai năm gần đây nên chưa có đánh giá toàn diện tính thích nghi, hiệu quả kinh tế cũng như tính bền vững của cây trồng này. Việc ồ ạt trồng quá nhanh về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, thương lái ép giá khi sản lượng quá nhiều. trong khi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhà máy chế biến sản phẩm mít quy mô lớn.

Để ổn định phát triển sản xuất cây mít trong thời gian tới, Sở NN và PTNT Tiền Giang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập huấn hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý tốt các loại sâu bệnh hại trên cây mít. Tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất an toàn và truy xuất nguồn gốc. Phối hợp các địa phương rà soát, thống kê diện tích trồng mới cây mít để có biện pháp hỗ trợ người dân trong sản xuất, thực hiện đầu tư hệ thống đê bao, cống đập, đường giao thông bảo đảm ngăn triều cường, thoát lũ, … bảo vệ tốt sản xuất.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Trồng trọt, cho rằng: “Việc bà con trồng mít xen canh với các cây trồng khác, lấy ngắn ngày nuôi dài ngày, chuyển đổi từ cây trồng cho thu nhập thấp sang cây mít cho thu nhập cao hơn theo tín hiệu thị trường là tính toán thông minh của bà con nông dân. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý, các cán bộ kỹ thuật cần tuyên truyền phổ biến bà con biết những yếu tố bất lợi của cây mít tại khu vực ĐBSCL. Trước hết, cây mít thích nghi ở khu vực cao hơn mặt nước biển 400 – 1200 m, ĐBSCL không có lợi thế này nên khi lập vườn, nông dân phải thiết kế lại vườn cho phù hợp. Thứ hai, mít là cây trồng có nhiều loại dịch hại tấn công. Là cây trồng mới nên các cơ quan nghiên cứu chưa có những nghiên cứu đầy đủ, hoàn thiện quy trình phòng chống dịch hại. Thứ ba, thị trường xuất khẩu mít chủ yếu sang Trung Quốc. Nếu mở rộng diện tích, chúng ta phải tìm hiểu thông tin về nước nhập khẩu để tránh dư thừa nguồn cung. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đầu tư mở rộng các nhà máy chế biến các sản phẩm từ mít để tiêu thụ mít ổn định hơn”.

Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt khuyến cáo, các địa phương cần rà soát lại diện tích hiện có, có định hướng cụ thể vùng sản xuất cây mít và có chính sách hỗ trợ cụ thể, tránh để nông dân phát triển nóng diện tích, sản xuất trên những vùng đất không phù hợp, có nguy cơ ngập úng trong mùa lũ, xâm nhập mặn trong mùa khô. Tăng cường công tác quản lý giống, quản lý tốt cây đầu dòng, vườn đầu dòng và các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn. Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh tới người sản xuất, đặc biệt các giải pháp kỹ thuật cụ thể cho các loại hình trồng như trồng xen, trồng thuần trên đất lúa, … Có chính sách hỗ trợ trong liên kết sản xuất theo hướng quản lý vùng trồng được bao tiêu và hợp đồng sản xuất. Các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ NN và PTNT trước mắt tiếp tục nghiên cứu và đưa ra quy trình sản xuất, phòng trừ sâu bệnh cây mít cho từng vùng sinh thái, loại hình sản xuất trồng xen, trồng thuần trên đất trồng lúa.

messenger